Theo Bộ GTVT, Luật GTĐB năm 2008 sau hơn 10 năm thực hiện đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo trật tự ATGT, thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, Luật đã xuất hiện các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh. Trong quy tắc giao thông, hệ thống biển báo và tín hiệu chưa được Luật hóa theo Công ước Viên năm 1968 mà Việt Nam là thành viên như: quy định hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, vượt theo dòng, dừng đỗ xe, cấm người lái xe ô tô sử dụng điện thoại.
Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị còn thấp, mới chỉ đạt 5-12%, trong khi theo yêu cầu là 16-20%. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đối với hạ tầng giao thông chiếm tỷ trọng thấp nên việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế còn hạn chế do vướng mắc về cơ chế chính sách. Việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối các phương thức vận tải. Nguồn vốn dành cho bảo trì thấp, mới đạt khoảng 45%, gây khó khăn cho công tác này.
Trên cơ sở 4 chính sách được đánh giá tác động trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra, được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật GTĐB sửa đổi gồm 8 chương, 156 điều. Trong đó, giữ nguyên bố cục của Luật GTĐB năm 2008 với 89 điều được sửa đổi, 67 điều được bổ sung.
“Việc xây dựng Luật GTĐB sửa đổi thay thế Luật GTĐB năm 2008 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về GTĐB”, Bộ GTVT thông tin.
Cụ thể: Phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB sửa đổi bao gồm 4 nhóm chính sách: Hoàn thiện khung pháp lý về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng; phương tiện, người điều khiển tham gia giao thông đường bộ và hoàn thiện khung pháp lý về vận tải đường bộ. Các nhóm chính sách này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được đa số thành viên Chính phủ thông qua, được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi.
“Việc kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB sửa đổi nhằm mục tiêu đảm bảo sự phát triển đồng bộ, thống nhất về các mặt hoạt động từ quy tắc giao thông đến kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện, đảm bảo hoạt động giao thông đường bộ thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo, mâu thuẫn các Luật khác”, Bộ GTVT cho biết.