KINH NGHIỆM LÁI XE AN TOÀN VÀO BAN ĐÊM

Kinh nghiệm lái xe an toàn vào ban đêm
Khi lái xe vào ban đêm, thật khó để biết được vật cản phía trước đèn pha của bạn là một con vật hay người đi bộ nếu thời tiết không được tốt lắm, cũng chính vì thế mà nhiều người tỏ ra lo lắng về mức độ an toàn khi lái xe vào đêm khuya, đặc biệt là các tài xế mới.
“Bỏ túi” một số kinh nghiệm điều khiển ô tô vào ban đêm sẽ giúp các “tài mới” giảm căng thẳng khi đối mặt với cảnh đường đông, giao thông phức tạp.
Tầm quan sát vào ban đêm không được tốt như khi lái xe ban ngày, vì vậy nên điều khiển ô tô di chuyển chậm hơn, phù hợp khoảng chiếu sáng của hệ thống đèn pha và không vượt quá tốc độ cho phép.
Bên cạnh đó nên tăng khoảng cách an toàn với các xe đi phía trước để kịp phản ứng trước những tình huống bất ngờ.
Đèn chiếu sáng thường có hai chế độ pha và cốt. Trong đó, đèn cốt là đèn chiếu gần, góc chiếu thấp giúp người lái xe quan sát được tình trạng mặt đường. Khi lái xe vào ban đêm qua các tuyến đường nội thành, khu dân cư nên giảm tốc độ và bật chế độ đèn cốt. Trong khi đó, đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa. Lái xe chỉ nên sử dụng chế độ đèn pha khi lái xe trên các đoạn đường cao tốc, đường trường ít phương tiện và không có xe đi ngược chiều.
Khi gặp tình huống xe ngược chiều bật pha, bạn rất dễ bị lóa mắt và khó quan sát. Vì vậy không nên nhìn trực diện vào đèn pha của xe ngược chiều. Nếu cảm thấy bị chói nên chớp mắt ngay kết hợp với việc giảm dần tốc độ, quan sát đường phía trước hoặc nhìn chếch về phía lề đường để canh xe đảm bảo an toàn.
Buồn ngủ được xem là mối nguy lớn nhất khi lái xe ban đêm. Vì vậy, trong quá trình lái xe nếu cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi bạn nên đỗ xe vào nơi an toàn, chợp mắt một lát cho tỉnh táo hơn rồi mới lái xe tiếp. Nên mang theo bảng báo hiệu có phản quang để sử dụng trong trường hợp phải đỗ xe bên đường.